Chủ tịch Hồ Chí Minh với Báo chí cách mạng Việt Nam

 19/06/2024  437

Không chỉ là lãnh tụ chính trị kiệt suất, danh nhân văn hoá của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà báo lỗi lạc, đồng thời là người sáng lập, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Với Người, làm báo là làm cách mạng và để làm cách mạng. 99 năm qua, những lời dạy của Người vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động báo chí của Việt Nam, đó là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các nhà báo, tháng 9/1960. Ảnh tư liệu

 

Nhà báo lỗi lạc, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam

Là người am hiểu tinh hoa văn hóa đông tây, kim cổ và sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ sức mạnh to lớn, diệu kỳ của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, trong đời sống xã hội và trong việc nâng cao dân đức, dân trí. Đặc biệt, Bác coi báo chí là một thứ vũ khí cách mạng sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền cách mạng, để vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng.

Trong mỗi giai đoạn hoạt động cách mạng, Người đều sáng lập, trực tiếp quản lý, viết báo. Từ tháng 3/1922 lúc còn ở Pháp đến khi về nước tháng 1/1941, Người đã sáng lập, trực tiếp tổ chức, viết, biên tập nội dung, trình bày hình thức và phát hành 8 tờ báo chủ lực: Le Paria (Người cùng khổ), Thanh niên, Công nông, Lính kách mệnh, Thân ái, Đỏ, Việt Nam độc lập và Cứu quốc. Tờ báo cách mạng đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập là Le Paria xuất bản ở Paris (Pháp) vào tháng 4/1922. Nhưng tờ báo cách mạng đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản bằng tiếng Việt là báo Thanh niên, xuất bản số đầu tiên vào 21/6/1925 (sau này, ngày 21/6 được lấy là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam).

Từ năm 1926 - 1930, Nguyễn Ái Quốc sáng lập các tờ báo khác như: Công nông (1926); Lính kách mệnh (xuất bản năm 1927, là tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay); tạp chí Đỏ (1930). Đầu năm 1941, Người về nước, chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh, cho lập tờ báo Việt Nam độc lập năm 1941 và báo Cứu quốc năm 1942.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục cộng tác, tổ chức và cho ra đời một số tờ báo mới. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2/1951, báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) ngừng xuất bản. Người chỉ đạo thành lập Báo Nhân Dân - một cơ quan ngôn luận thiết thực hơn, gần gũi hơn, sâu rộng hơn - và số đầu tiên ra ngày 11/3/1951. Ngoài việc sáng lập, chỉ đạo hoạt động, Người còn viết và có hơn 1.200 bài đăng trên Báo Nhân Dân với nhiều bút danh khác nhau.

Trong suốt cuộc đời làm cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trên 170 bút danh để viết, đăng trên 2.000 bài viết. Bài viết cuối cùng của Người với tiêu đề “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 25/8/1969 chỉ trước khi Người mất 1 tuần. Trọn cuộc đời, từ khi còn là một thanh niên yêu nước, sống bằng nhiều nghề để hoạt động cách mạng, cho đến khi là một lãnh tụ, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đều gắn bó với báo chí và viết báo không ngừng nghỉ.

Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

Không chỉ là người sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam, là tác giả của một khối lượng không nhỏ các bài báo, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có những lời chỉ dạy sâu sắc về nghề báo, người làm báo.

Nói về nghề làm báo và viết báo, ngày 17-8-1952, nói chuyện với các cán bộ báo chí ở Trường chỉnh Đảng Trung ương tại Việt Bắc, Người tổng kết 4 nguyên lý cơ bản của nghề báo là: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?”, đồng thời căn dặn: “Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng’”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?”.

Phát biểu tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 4-1959), Người nêu rõ: “Báo chí ta không phải để phục vụ cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu".

Người cũng nhắc nhở “Mỗi tờ báo nên có đặc điểm riêng của nó”. “Viết báo phải có căn cứ”, “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Không được vội vàng, mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, mà phải có điều tra, nghiên cứu kỹ”. Sau gần một thế kỷ, suy nghĩ về những điều Người nhắc nhở đối với người làm báo, chúng ta vẫn thấy còn nguyên tính thời sự.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của người làm báo. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9-1962), Người nhắn nhủ “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; và “để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.

Người yêu cầu người làm báo phải lấy phê bình và tự phê bình để rèn luyện và tiến bộ. Trong đó, điều quan trọng nhất là lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng: “Các nhà báo cũng cần khuyến khích quần chúng góp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi”...

Đã 99 năm kể từ ngày tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời, hơn nửa thế kỷ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, những tư tưởng về báo chí và di sản báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là “kim chỉ nam” soi đường cho báo chí cách mạng Việt Nam.

Tạp chí Kinh tế và Quản trị Kinh doanh học tập theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tiếp nối truyền thống đầy tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang của Báo chí cách mạng Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - cơ quan báo chí thuộc Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - đã và đang thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình trong việc công bố các công trình nghiên cứu khoa học nguyên tác và cập nhật thông tin về khoa học trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản lý kinh tế, luật kinh tế và một số lĩnh vực khác có liên quan cho các cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên ở khu vực miền núi phía Bắc và trong cả nước.

Tạp chí Kinh tế và Quản trị Kinh doanh hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo của Nhà trường thông qua đăng và phổ biến các kết quả nghiên cứu phục vụ hoạch định phát triển kinh tế xã hội; xác lập uy tín khoa học và năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học; là kênh giao tiếp học thuật của cộng đồng nghiên cứu khoa học; là nơi kiểm định chất lượng nghiên cứu khoa học và là cơ sở dữ liệu tham khảo, trích dẫn cho các nghiên cứu tương lai.

Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Kinh tế và Quản trị Kinh doanh đã đúc rút được một số bài học như sau:

Thứ nhất, viết báo phải có căn cứ: Người viết báo phải có trách nhiệm cao trước nội dung bài báo của mình, phải có căn cứ để thuyết phục. Không được vội vàng mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, mà phải có điều tra, nghiên cứu kỹ.

Thứ hai, viết cho sát đối tượng: Bài báo phải có cơ sở thực tiễn và khoa học mới đạt được tính thuyết phục cần thiết cho đối tượng.

Thứ ba, viết ngắn gọn, giản dị: Phải đi thẳng vào nội dung, không lan man khoe chữ làm ra vẻ nhiều kiến thức.

Thứ tư, viết sinh động, lôi cuốn: Đây là một nhu cầu thường xuyên để thu hút người đọc.

Thứ năm, viết thẳng thắn, có tính chiến đấu: Làm báo là tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng bằng những thông tin chọn lọc, có căn cứ, phê bình những thói hư tật xấu trong sinh hoạt xã hội và xây dựng đạo đức mới. Việc này đòi hỏi người viết báo phải có bản lĩnh nghề nghiệp, dám bảo vệ cái đúng, không uốn cong ngòi bút.

Thứ sáu, khiêm tốn sửa bài của mình: Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận.

Thứ bảy, điều nhất thiết là cán bộ báo chí phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng: Bác Hồ - với tư cách là một nhà báo cách mạng luôn đòi hỏi nhà báo cách mạng không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn phải có đạo đức tốt và trong sáng.

Tìm hiểu, nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí, sự nghiệp và những di sản báo chí của Người có ý nghĩa rất thiết thực đối với việc nghiên cứu, phát triển và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung, xây dựng và đổi mới nền báo chí nước nhà nói riêng. Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/ 2024), Tạp chí Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh xin gửi tới các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh, các nhà khoa học trong và ngoài Nhà trường; viên chức và người lao động đang làm việc trong các cơ quan báo chí và truyền thông của Việt Nam, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp. Chúc các đồng chí sẽ luôn giữ vững ngòi bút của mình để trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Tạp chí Kinh tế và Quản trị kinh doanh.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN