Hội thảo khoa học: “AI trong giáo dục đại học: Đổi mới phương pháp và tư duy” – Thúc đẩy đổi mới giáo dục trên nền tảng trí tuệ nhân tạo

 19/05/2025  26

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trên toàn cầu, giáo dục đại học Việt Nam đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới để thích nghi và phát triển. Việc tích hợp AI vào các hoạt động dạy và học không chỉ là một xu hướng công nghệ tất yếu mà còn là một chiến lược quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của giáo dục đại học trong kỷ nguyên số.

Nhằm tạo không gian trao đổi học thuật, chia sẻ thực tiễn và kết nối đội ngũ giảng viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài trường, sáng ngày 16/5/2025 , Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh đã tổ chức thành công Hội thảo “AI trong giáo dục đại học: Đổi mới phương pháp và tư duy” với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và giảng viên quan tâm đến chuyển đổi số trong giáo dục.

Hội thảo được tổ chức với các mục tiêu chính:

- Cung cấp góc nhìn học thuật và thực tiễn về ứng dụng AI trong giảng dạy, hướng tới việc cá nhân hóa và lấy người học làm trung tâm;

- Chia sẻ các phương pháp và công cụ hỗ trợ giảng viên thiết kế hoạt động học tập thích ứng với năng lực và nhu cầu sinh viên;

- Gợi mở tư duy đổi mới vai trò của giảng viên trong thời đại số: từ người truyền đạt sang người dẫn dắt và đồng hành;

- Kết nối đội ngũ chuyên gia và giảng viên để cùng xây dựng môi trường học tập thông minh, sáng tạo và bền vững.

Về tham dự Hội thảo, Ban Tổ chức trân trọng đón tiếp ông Đào Ngọc Tuất – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên; Tiến sĩ Trần Quang Quý – giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Tiến sĩ Đỗ Đình Long – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng, Khoa, Viện và các nhà khoa học, giảng viên của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh quan tâm tới chủ đề của hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Đỗ Đình Long nhấn mạnh vai trò chiến lược của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đại học, coi đây là một động lực quan trọng để đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, sáng tạo, lấy người học làm trung tâm và thích ứng linh hoạt với bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu.

TS. Đỗ Đình Long – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Một nội dung quan trọng của chương trình là phần trình bày của ông Đào Ngọc Tuất – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên – về Phổ biến Nghị quyết 57-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình Bình dân học AI. Bài trình bày nhấn mạnh tầm quan trọng và những kết quả đã đạt được trong việc phổ cập tri thức về trí tuệ nhân tạo cho toàn xã hội, đặc biệt là trong hệ thống giáo dục, như một bước chuẩn bị nền tảng để Việt Nam phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Đào Ngọc Tuất – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên – về Phổ biến Nghị quyết 57-NQ/TW và chương trình Bình dân học AI

Các tham luận tại hội thảo đã mang đến những góc nhìn đa chiều, thiết thực và giàu giá trị ứng dụng đối với hoạt động giảng dạy trong bối cảnh chuyển đổi số của giáo dục đại học.

Tiến sĩ Đặng Trung Kiên (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh) với tham luận “Nên hay không nên cho phép sinh viên sử dụng trí tuệ nhân tạo vào học tập? Cách để kiểm soát, đánh giá chất lượng học tập của sinh viên” đã làm rõ những cơ hội cũng như thách thức đặt ra khi sinh viên ứng dụng AI trong học tập. Tham luận đồng thời đề xuất các phương án kiểm soát và đánh giá phù hợp nhằm đảm bảo tính công bằng và chất lượng trong quá trình đào tạo.

Tiến sĩ Đặng Trung Kiên, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh (TUEBA)

 trình bày tham luận

Thạc sĩ Trần Xuân Kiên (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh) trình bày tham luận “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) xây dựng bài giảng theo phương pháp Blended Learning”, trong đó giới thiệu mô hình kết hợp giảng dạy trực tiếp và trực tuyến có sự hỗ trợ của AI. Nội dung tham luận nhấn mạnh khả năng cá nhân hóa hoạt động học tập, tăng cường tính tương tác và hỗ trợ giảng viên trong việc thiết kế các trải nghiệm học tập linh hoạt.

Thạc sĩ Trần Xuân Kiên, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh (TUEBA)  trình bày tham luận tại Hội thảo

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh) với tham luận “Trí tuệ nhân tạo – Trợ thủ đắc lực của giảng viên đại học trong thời đại số” đã làm rõ vai trò của AI trong việc hỗ trợ giảng viên thiết kế nội dung bài giảng, theo dõi tiến độ học tập và cung cấp phản hồi hiệu quả. Qua đó, AI góp phần giảm tải công việc hành chính, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy.

TS. Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Kinh tế trình bày tham luận tại Hội thảo

Tiến sĩ Trần Quang Quý (Khoa Công nghệ Thông tin – Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông) mang đến tham luận “GEN AI và ứng dụng xây dựng bài giảng số, phân tích dữ liệu”. Tham luận mở rộng cách tiếp cận công nghệ Generative AI trong việc xây dựng học liệu số và giới thiệu các công cụ phân tích dữ liệu học tập nhằm hỗ trợ giảng viên điều chỉnh chiến lược giảng dạy một cách tối ưu và hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Trần Quang Quý, Khoa Công nghệ Thông tin – Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo còn ghi dấu ấn bằng phần thảo luận học thuật sôi nổi do TS. Đỗ Đình Long – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường – chủ trì. Trong không khí cởi mở, dân chủ và đầy sáng tạo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, phản ánh cả tầm nhìn chiến lược và trải nghiệm thực tiễn từ giảng đường đại học.

Những trao đổi, thảo luận không chỉ tập trung vào việc nhận diện cơ hội và thách thức trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy, mà còn nhấn mạnh vai trò của đội ngũ giảng viên trong việc tiên phong đổi mới tư duy, nâng cao năng lực công nghệ và chủ động thích ứng với xu thế giáo dục số. Nhiều ý kiến đã gợi mở các hướng đi khả thi nhằm tích hợp AI một cách hiệu quả vào các hoạt động đào tạo, từ thiết kế bài giảng, kiểm tra – đánh giá cho đến quản trị lớp học và phát triển chương trình học tập cá nhân hóa.

Phần thảo luận cũng thể hiện sự đồng thuận cao trong việc xây dựng một môi trường giáo dục đại học linh hoạt, sáng tạo, gắn kết giữa công nghệ và giá trị nhân văn, lấy người học làm trung tâm. Đây chính là nền tảng quan trọng để các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững trong thời đại trí tuệ nhân tạo.

Hội thảo “AI trong giáo dục đại học: Đổi mới phương pháp và tư duy” đã khép lại thành công tốt đẹp, để lại nhiều dư âm học thuật sâu sắc và gợi mở những hướng đi mới cho giáo dục đại học trong thời đại chuyển đổi số. Thông qua các tham luận đa chiều, giàu tính ứng dụng và các phiên thảo luận sôi nổi, chương trình đã góp phần khẳng định vai trò không thể thiếu của trí tuệ nhân tạo trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, cá nhân hóa hoạt động học tập và định hình tư duy đổi mới cho đội ngũ giảng viên.

Những ý kiến tâm huyết, giàu trải nghiệm từ các chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên không chỉ tạo nên một diễn đàn học thuật thiết thực, mà còn là nguồn cảm hứng để mỗi nhà giáo không ngừng học hỏi, thích ứng và đổi mới. Đây chính là nền tảng quan trọng để xây dựng một môi trường giáo dục đại học thông minh, nhân văn và phát triển bền vững trong tương lai.

Ban Tổ chức xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tham dự và đóng góp quý báu của các vị đại biểu, chuyên gia và giảng viên. Rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của quý vị trong những chương trình học thuật tiếp theo.

Đưa tin: Nguyễn Thị Anh Đào – Phòng KHCN & HTQT


BÀI VIẾT LIÊN QUAN